Phân loại Phương ngữ Thanh Hóa

Hiện chưa có sự thống nhất khi sắp xếp phương ngữ Thanh Hóa vào các vùng phương ngữ lớn của tiếng Việt. Phương ngữ Thanh Hóa nói chung được coi là trung gian giữa vùng phương ngữ Bắc Bộ (phương ngữ Bắc) và vùng phương ngữ Trung Bộ (hay phương ngữ Trung, phương ngữ Bắc Trung Bộ)[1][2].

Về giọng điệu, người Thanh Hóa nói giọng Bắc[3] trong khi có một bộ phận từ vựng và một số đặc điểm ngữ âm lại khá gần với người NghệTĩnh. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy xếp tiếng Thanh Hóa vào phương ngữ Bắc trong khi Hoàng Thị Châu, Vương Hữu Lễ… xếp vào vùng phương ngữ Trung Bộ[4].

Nguyễn Kim Thản thì cho rằng một phần tỉnh Thanh Hóa thuộc về phương ngữ Bắc[5], phần còn lại thuộc phương ngữ Trung Bắc[6] nhưng lại không chỉ rõ ranh giới giữa hai phần nêu trên.

Căn cứ trên ngữ âm và từ vựng, Trương Văn Sinh và Nguyễn Thành Thân cho rằng đây là một phương ngữ chuyển tiếp nhưng có thể xếp vào vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ[7]. Quan điểm này đặc biệt quan tâm đến diện mạo của từ vựng cũng như các yếu tố cổ là đặc điểm chung giữa phương ngữ Thanh Hóa với phương ngữ Nghệ Tĩnh, và sự tương đồng của thổ ngữ tại thành phố Thanh Hóa cũng như thành phố Vinh so với phương ngữ Bắc Bộ chỉ là kết quả của sự xuất hiện các kôinê văn hóa[7].

Ngược lại, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Hảo cho rằng mặc dù phương ngữ Thanh Hóa tương tự phương ngữ Nghệ Tĩnh về phụ âm đầu, các từ về khẩu ngữ, một bộ phận từ vựng… nhưng về tổng thể ngữ âm và từ vựng, nên xếp phương ngữ Thanh Hóa vào vùng phương ngữ Bắc Bộ[2].

Nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang cũng phản đối việc xếp phương ngữ Thanh Hóa vào vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ, vì giữa phương ngữ Thanh Hóa với phương ngữ Bình-Trị-Thiên và phương ngữ Nghệ Tĩnh của vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ có nhiều điểm khác biệt như phương ngữ Thanh Hóa không có ba phụ âm quặt lưỡi và có hệ thống vần phong phú hơn[8].

Trước đây, vì lý do khí hậu và ngôn ngữ (có nhiều tương đồng với phương ngữ Bắc) mà một số học giả người Pháp thời Pháp thuộc muốn đem Thanh Hóa nhập vào Bắc Kỳ, để tách Thanh Hóa khỏi Trung Kỳ "trực trị" của triều đình Huế, thể hiện kín đáo một quan điểm mang ý đồ chính trị, vì bấy giờ Bắc Kỳ là đất bảo hộ của Pháp [9].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phương ngữ Thanh Hóa http://www.ninh-hoa.com/Ninh-HoaDOTcom-GSNguyenHuu... http://www.vjol.info/index.php/NNDS/article/view/1... http://ngonngu.net/index.php?p=313 http://www.vienvhnn.net/index.php/nghien-cuu-ngon-... http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201... http://baothanhhoa.vn/news/47037.bth http://baothanhhoa.vn/news/68737.bth http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsd... http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_cont... http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC...